HÃY ĐỂ NGƯỜI TÀI CÓ ĐẤT DỤNG VÕ

 

Thu hút nhân tài hay cầu hiền tài là chuyện của mọi thời đại, mọi quốc gia. Ở đâu và thời nào người tài được trọng dụng thì ở đó, thời đó cảnh thái bình, thịnh trị in dấu son trong sử sách ngàn năm không cần tô vẽ và cũng chẳng thể mờ phai…

Việc cầu hiền tài là mong muốn có thực của những người đứng đầu một quốc gia, đứng đầu một vùng đất, một địa phương. Tuy nhiên, cầu hiền tài khác với cầu trong kinh tế thị trường. Trong kinh tế thị trường, theo quy luật có cầu ắt có cung, thậm chí có cung ngay tức khắc bằng trăm phương ngàn kế, không loại trừ cả mưu hèn, kế bẩn, lừa dối để cung cho kịp! Cầu hiền tài không có cung theo kiểu ấy. Bởi cung theo kiểu ấy thì còn gì là hiền tài?

Xét trong nhiều năm nay, nhiều địa phương có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, thoạt nghe bùi tai bởi các gói quà “dụ” nhân tài không phải nhỏ, xét về phương diện vật chất. Chẳng hạn một căn hộ hạng sang, hay mới đây TP Hồ Chí Minh đặt mức lương chót vót (150 triệu Việt Nam đồng/tháng) để thu hút người tài về làm việc. Nhưng với cách “dụ” nhân tài như thế chắc khó có nhân tài phụng sự hiệu quả như mong muốn. Phần vì người ham tiền của chưa chắc đã phải nhân tài đích thực. Phần khác, vì người nghĩ ra “chiêu dụ” nhân tài chỉ chăm chăm vào việc có được nhân tài mà chưa nghĩ, thậm chí không cần nghĩ dùng nhân tài vào việc gì. Sở hữu được nhân tài như là một thành công, nó làm “đẹp đội hình” mình đang có trong tay. Và kết quả là rất nhiều người không phải là tài đã mất hút theo thời gian, nhưng cũng có đất để “im hơi lặng tiếng” xoay xở, toan tính, chờ thời. Cũng có người chẳng may bị báo chí “bóc mẽ” làm khổ cả mình mà khổ cả người “tưởng là mình tài”! Cũng có những người tài về cái gì đó nhưng cái tài đó không phát huy được rồi đành dứt áo ra đi không kèn không trống.

Vậy chuyện đãi ngộ người hiền tài là thế nào? Có nên làm hay không nên làm? Và làm thì có được hoan nghênh không? Nếu cứ nói khơi khơi như thế thôi thì chẳng biết đường nào mà lần. Nói thu hút nhân tài nhưng hút nhầm nhân không tài thì sao? Hút được tài nhưng không phát huy được, chẳng có công trạng gì thì hoan nghênh cái gì? Thế nên phải xem cho kỹ, nghe cho thấu và làm một cách chân thành, nghiêm cẩn mới có kết quả.

Hãy học tập cách Bác Hồ “chiêu hiền đãi sĩ” làm cách mạng, xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Về số lượng, chắc không thể biết hết và cũng không thể liệt kê cho đủ được. Chỉ biết rằng, một loạt các nhân sĩ, trí thức trong nước cũng như ở nước ngoài, Bác đã mời và họ đã nhận lời tham gia cách mạng để đồng cam cộng khổ, để cống hiến, để đóng góp to lớn cho cách mạng, cho dân tộc. Nhiều người đã trưởng thành, nhiều vị đã ghi danh trong sử sách và được đồng chí, đồng bào ngưỡng mộ, kính trọng.

Bác không hứa đãi ngộ gì cho họ cả, chỉ nói rõ cách mạng cần họ, và khi họ về với cách mạng, ai cũng được giao việc với niềm tin và sự trân trọng, mong chờ. Những người Bác mời toàn là những người đã nổi tiếng, đã thành tài và ở những nơi sung sướng hơn nhiều so với chiến khu cách mạng. Thậm chí còn sướng hơn cả khi cách mạng thành công, được thăng cấp, thăng chức, được về sống giữa Thủ đô. Vấn đề lớn ở đây là người tài được trân trọng và giao việc xứng tầm, đúng sở trường, hay nói một cách dễ hình dung là có đất dụng võ. Người thực tài cần đất dụng võ chứ không cần sự đãi đằng quá mức, nhất là khi chưa làm việc gì.

Ngày xưa, những người tài được Bác mời rất nhiều và ai cũng có những cống hiến to lớn cho cách mạng. Hai trong số những người đó phải kể đến là cụ Huỳnh Thúc Kháng và Anh hùng Trần Đại Nghĩa. Một người là chí sĩ yêu nước, chưa hiểu nhiều về Việt Minh. Một người là kỹ sư quân khí đang sống và làm việc ở nước ngoài. Cụ Huỳnh bộc bạch chân thực rằng cụ ít biết về cách mạng nhưng cụ rất tin Hồ Chí Minh, nên khi được mời là nhận lời ngay. Bác Hồ tin tưởng cụ Huỳnh như thế nào nên khi đi Pháp mới giao việc nước cho cụ với dặn dò “dĩ bất biến, ứng vạn biến”! Còn Anh hùng Trần Đại Nghĩa thì đã xây dựng quân khí cách mạng Việt Nam từ những lán trại và công cụ thô sơ trở thành quân khí lớn mạnh, sản xuất được nhiều loại vũ khí khiến kẻ thù khiếp sợ. Bài học ở đây là mời đúng người, giao đúng việc và tuyệt đối tin tưởng…

Trở lại với cách thu hút nhân tài bằng căn hộ hay tiền lương cao bất thường. Với người thực tài, điều quan trọng là được giao việc gì; có đúng sở trường của họ hay không? Và họ có thể “trổ tài” được không? Vậy đối với công việc quản lý nhà nước ở cấp thực thi, giả sử một người có tài thực sẽ “trổ tài” như thế nào? Và có thể “trổ tài” được không khi đã nhận một khoản ưu đãi mà vì nó người tài khó có thể hòa đồng cùng những người xung quanh? Quản lý thời nào cũng không thể làm một mình được. Nhất là ngày nay, đất nước đang phát huy dân chủ cao, quản lý nhà nước cần sự phối hợp hài hòa của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, người tài không thể phát huy được nếu bị tách ra bởi những ưu đãi khác thường so với người xung quanh. Người tài thực trong quản lý đã khó, người chỉ tài học đến tiến sĩ mà chưa từng có kinh nghiệm trong cuộc sống, trong quản lý thì còn khó hơn nhiều! Xem vậy, việc cầu người tài cho quản lý nhà nước thật quá khó để thành công. Tốt nhất là hãy chọn đúng người, giao đúng việc vừa hiệu quả mà không “rùm beng” đánh trống to mà hiệu quả thấp.

Khó thế chẳng lẽ thôi không cầu hiền tài sao? Có người cho rằng, hãy để cho các tổ chức kinh tế, nghề nghiệp… nơi có những việc cụ thể cần chuyên gia, cần người tài về việc nào đó có lẽ hợp lý hơn. Cũng có người cho rằng, cần cơ chế bộc lộ nhân tài chứ không phải tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài với lý do mình không tài làm sao chọn được nhân tài, bồi dưỡng lại càng không thể! Cụ thể về bộc lộ nhân tài là người tự nguyện nhận việc khó và cam kết hoàn thành việc đó, và chỉ nhận phần thưởng về tinh thần và vật chất khi hoàn thành nhiệm vụ. Có nghĩa là, người tài đang ẩn khuất đâu đấy trong cộng đồng, khi thấy việc cụ thể dù rất khó nhưng mình có thể làm được thì xung phong làm. Đương nhiên phải trình bày cách thức triển khai việc (trừ bí quyết có thể có) và phải cam kết chịu trách nhiệm, thậm chí đặt cược về vật chất và tinh thần để được giao việc. Trong trận mạc xưa đã có tướng lĩnh xung phong làm tướng tiên phong và sẵn sàng lấy đầu mình để cam kết chiến thắng.

Với cách làm ấy, người ta gợi ý TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác có thể đưa ra những điều kiện hỗ trợ pháp lý, tài chính, nhân lực và quyền hạn hợp lý để người tài xung phong chấm dứt tình trạng ngập úng. Đương nhiên, khi giao quyền phải kèm theo cam kết về vật chất và tinh thần của cả đôi bên. Bên xung phong phải cam kết hoàn trả chi phí nếu không thành công, bên giao việc phải cam kết trọng thưởng về tinh thần, vật chất. Người tài ở đây có thể hiểu là một người hoặc một nhóm người.

Mong sao người tài còn ẩn khuất đâu đó hiện diện giúp thành phố mà cũng là giúp dân, giúp nước. Hoàn thành việc này chắc chắn sẽ được nhớ mãi trong công chúng và bền mãi với thời gian còn hơn bia đá, bảng vàng. Và nếu có người tài giúp cho việc này thì các ngành, các cấp của thành phố khỏi phải kêu khó, rồi thanh minh thanh nga những giải pháp cực hay của mình nhưng chưa có kết quả vì rất, rất nhiều những nguyên nhân… khách quan.

Vậy là chuyện thu hút, bồi dưỡng nhân tài có thể chưa có hồi kết. Người viết chỉ mong có tổng kết về việc này rồi hãy phát động tiếp. Tránh “phát” mà không “động”, hoặc có “động” mà lại “động trời” bởi những việc “cười ra nước mắt”.

QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.