NGƯỜI CỘNG SẢN TRUNG KIÊN, NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA QUÊ HƯƠNG VĨNH LONG

Trải qua lịch sử 290 năm, Vĩnh Long nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều danh nhân, nhiều người con ưu tú của đất nước, dân tộc. Trong đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, một nhân cách lớn với tầm nhìn chiến lược và tấm lòng yêu nước nhiệt thành, suốt đời tận tụy vì nước, vì dân.


Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng rất phong phú, cao đẹp của đồng chí gắn liền với những trang sử oanh liệt, vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam; để lại những dấu ấn đậm nét đối với đất nước, dân tộc-dấu ấn Võ Văn Kiệt; đồng thời góp phần làm rạng danh quê hương Vĩnh Long giàu truyền thống yêu nước, văn hiến, cách mạng.

Nhân cách cao đẹp, suốt đời vì nước, vì dân

Đồng chí Võ Văn Kiệt (tên khai sinh là Phan Văn Hòa) xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Bình Phụng, làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị (nay là ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Năm 16 tuổi, người thanh niên yêu nước Phan Văn Hòa quyết tâm tham gia cách mạng, năm 17 tuổi đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trước Cách mạng tháng Tám, trên cương vị Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, đồng chí Võ Văn Kiệt từng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trên địa bàn huyện (năm 1940). Trên cương vị Tỉnh ủy viên lâm thời Rạch Giá (1941-1945), đồng chí đã tham gia xây dựng, phát triển U Minh thành căn cứ địa đầu não khu vực Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá và các tỉnh Tây Nam Bộ trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đảm nhiệm cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang (1955-1959), đồng chí đã kiên cường bám trụ, sát cánh cùng đồng chí Lê Duẩn xây dựng bản Đề cương cách mạng miền nam lịch sử, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự ra đời Nghị quyết 15, mở ra phong trào Đồng khởi, đưa đến bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền nam.

Được cử làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn (năm 1959), trước tình hình các cơ sở cách mạng ở thành phố bị địch đánh phá ác liệt, tổn thất rất nghiêm trọng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã kiến nghị hợp nhất Đảng bộ Sài Gòn-Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định thành Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và được cử làm Bí thư Khu ủy (1959-1970). Chủ trương đúng đắn này đã hình thành nên một địa bàn chiến lược, gắn kết liên hoàn vùng nội thành với ven đô của thành phố và vùng nông thôn Đông Nam Bộ, giúp nhanh chóng khôi phục cơ sở cách mạng, phát triển lực lượng và phong trào cách mạng,…

Sau ngày nước nhà thống nhất, trên cương vị người đứng đầu Thành phố Hồ Chí Minh, đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn và thách thức, đồng chí đã chỉ đạo các tỉnh miền Tây Nam Bộ thu mua lương thực của nông dân theo giá thị trường để giải quyết lương thực cho hơn 3 triệu người dân thành phố; đồng thời, thực thi những biện pháp vừa quyết liệt, vừa mềm dẻo, linh hoạt, ổn định trật tự xã hội và đời sống nhân dân.

Vượt qua lối tư duy cũ, đồng chí mạnh dạn sử dụng những trí thức xuất thân từ các thành phần, có tinh thần yêu nước, cùng với đội ngũ những nhà khoa học trong nước thành lập Văn phòng nghiên cứu kinh tế, “Nhóm thứ sáu”… để nghiên cứu, đề ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Sự phát triển năng động của Thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng đã trở thành cơ sở thực tiễn quan trọng, sinh động, góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới sau này.

Đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đồng chí Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện kế hoạch Nhà nước và tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chính sách đúng đắn, sáng tạo, tháo gỡ những rào cản của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Đặc biệt, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, với tầm nhìn chiến lược, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, tìm ra chủ trương, giải pháp đưa đất nước vượt ra khủng hoảng kinh tế-xã hội và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đồng chí xác định, một trong những trọng tâm trong chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ là tập trung nguồn lực xây dựng các công trình kinh tế lớn của đất nước, tạo cơ sở cho nền kinh tế phát triển, như: công trình xây dựng đường dây 500kV bắc-nam; đường Bắc Thăng Long-Nội Bài; cao tốc Láng-Hòa Lạc; cầu Mỹ Thuận; Cảng nước sâu và Nhà máy lọc dầu Dung Quất; khai hoang vùng Đồng Tháp Mười; “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên,… Tất cả đều mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Sâu nặng nghĩa tình với quê hương

Từ sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940), đồng chí Võ Văn Kiệt rời quê hương, tham gia hoạt động cách mạng trên hầu khắp các chiến trường miền nam. Sau khi đất nước thống nhất, được giao đảm nhiệm những trọng trách của Đảng và Nhà nước, trở thành người đứng đầu Chính phủ, dù bộn bề với bao nhiệm vụ, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương.

Với tư duy năng động, nhạy bén, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã gợi mở cho lãnh đạo tỉnh nhà những ý kiến hết sức quý báu về chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị,…

Đồng chí chỉ ra, phải giảm diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp, phát triển diện tích vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản… mới giúp kinh tế Vĩnh Long phát triển. Những vấn đề lớn của tỉnh như: xây dựng các khu công nghiệp, kết nối Vĩnh Long với các nhà đầu tư, quy hoạch phát triển thị xã Vĩnh Long lên thành phố loại 3, gặp gỡ các chuyên gia xây dựng cầu Mỹ Thuận,… được đồng chí nghiên cứu rất kỹ và nêu nhiều ý kiến xác đáng.

Mỗi chuyến về thăm quê hương, đồng chí Võ Văn Kiệt đều đề nghị xuống thăm cơ sở, khi thì là một gia đình nông dân sản xuất giỏi xã Chánh An, huyện Mang Thít; lúc là bà con lao động thị trấn Vũng Liêm; đến tận các xã cù lao khảo sát việc phòng, chống lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái; nghe chuyện cặp bờ sông Cổ Chiên phát triển gốm sứ, xí nghiệp đóng tàu,… để lắng nghe những khó khăn, trăn trở của nhân dân và chính quyền địa phương, từ đó động viên, chia sẻ và định hướng giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Khi đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, nhưng trong các dịp lễ, ngày truyền thống, đồng chí thường xuyên thăm quê hương, thăm đồng đội cũ và những gia đình đã từng chở che cho mình trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến.

Đồng chí ân cần hỏi thăm về đời sống, nhắc nhớ chuyện ân nghĩa xưa, động viên con cháu học hành, công tác tốt, chăm lo sản xuất. Nhiều người dân vẫn nhớ đồng chí về thăm gia đình đồng chí Nguyễn Hiếu Tự, một trí thức, nhà báo, nguyên Bí thư Huyện ủy và là người lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tam Bình năm 1940; thăm và giúp đỡ bà Tạ Tú Xuân, con gái của đồng chí Tạ Uyên, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, người đã kết nạp đồng chí vào Đảng,…

Đồng chí luôn quan tâm và có nhiều ý kiến thiết thực về công tác bảo tồn, bảo tàng, xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; trăn trở về xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Cửu Long và Công viên Khởi nghĩa Nam Kỳ tại thị trấn Vũng Liêm để tri ân người xưa và tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí đã tặng Thư viện tỉnh 500 cuốn sách quý, làm phong phú thêm nguồn tài liệu phục vụ bạn đọc và góp phần thiết thực vào sự nghiệp nâng cao dân trí.

Với quê hương, đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã sống trọn vẹn nghĩa tình; đã cống hiến biết bao tâm huyết, sức lực cho khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và sự vươn lên mạnh mẽ của dân tộc. Sẽ còn vang vọng mãi lời căn dặn ân tình của đồng chí: “Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả”.

Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long luôn trân trọng tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vinh dự và tự hào về người con ưu tú Sáu Dân-Võ Văn Kiệt làm rạng danh quê hương. Nhân cách đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí mãi là tấm gương mẫu mực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vĩnh Long học tập, noi theo./.

Theo Báo Nhân dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.