Bản sắc văn hóa tết Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bản sắc văn hóa tết Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trà Việt

Xuân về trong một bối cảnh đặc biệt đầu năm 2021. Mọi người vừa trải qua một cái Tết là lạ. Tết đoàn viên, tết sum vầy nhưng mọi nhà phải hạn chế thăm hỏi họ hàng, hạn chế du xuân. Với nhiều người, đây cũng là dịp đặc biệt để chiêm nghiệm về những nét văn hóa mang bản sắc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nét đặc sắc nổi bật nhất có lẽ là văn hóa trồng cây, văn hóa chúc tết và văn hóa thăm hỏi, sẻ chia của vị lãnh tụ lỗi lạc này.

1. Mùa xuân là Tết trồng cây

Cụ Hồ là một trong những lãnh tụ tiên phong thực hiện bảo vệ môi trường sinh thái của Trái đất, rất chú ý đến việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sống. Thật là một tư duy rất sâu sắc. Ở Cụ nghĩ suy và hành động về những việc vĩ đại bằng một cách giản dị đến kỳ lạ. Trồng cây và trồng người là cùng một mục đích, đều là ươm mầm cho sự sống. Tất cả là do con người, của con người và vì con người.

Còn nhớ ngày 28/11/1959, Cụ đã viết bài phát động phong trào thi đua Tết trồng cây, để rồi từ đó trở đi hễ đến Tết cổ truyền của dân tộc là người dân và học sinh háo hức nô nức trồng cây. Đầu năm cuối cùng của cuộc đời mình, ngày 5/2/1969, Cụ có bài viết nhan đề Tết trồng cây, nêu lên ý nghĩa cũng như lợi ích to lớn của việc trồng cây, biểu dương những địa phương, những cá nhân có nhiều thành tích trồng cây và không quên nhắc nhở những nơi còn yếu kém trong việc này. Cụ viết rằng, muốn làm tốt công tác trồng cây, thì các cấp ủy và chính quyền địa phương, các ngành cần làm tốt việc vận động nhân dân, quan tâm đúng mức đến lợi ích của nhân dân để phong trào trồng cây ngày càng được mở rộng, sôi nổi.

Trong bối cảnh nước ta những năm đổi mới hiện nay, tăng trưởng kinh tế khá lên, nhưng môi trường sinh thái có lúc, có nơi chưa được bảo đảm như mong muốn. Chủ trương phát triển bền vững là không đánh đổi môi trường sinh thái, không đánh đổi văn hóa để lấy kinh tế, nhưng xem ra vấn đề này vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường sinh thái, về bảo vệ rừng, về ý thức và hành xử cụ thể trên những vấn đề này ở cả các địa bàn trong cả nước vẫn chưa được giải quyết, xử lý. Rừng một số nơi vẫn bị đốn hạ không thương tiếc, cây xanh ở nhiều đô thị, do vướng vấn đề quy hoạch không tốt, vẫn bị chặt hạ. Nhiều cơ sở kinh doanh vẫn thải ra rác thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Mùa xuân về, chúng ta thấm thía tấm gương Cụ Hồ về tình yêu thiên nhiên, chăm lo cho môi trường sống. Người thường trồng cây ở những nơi đến thăm, hỏi kỹ những chuyên gia lâm nghiệp về việc đến thăm ở đâu thì nên trồng cây gì. Cây Cụ trồng nơi công cộng thường là cây đa vì nó sống lâu, tán lá rộng tỏa nhiều bóng mát, không có sâu, rễ sum suê. Người trồng cây nhỏ, trồng cây gì tốt cây đó. Thật là một chuyên gia trồng cây.

2. Văn hóa chúc Tết đồng bào, chiến sĩ bằng những vần thơ

Điều đặc biệt mang bản sắc văn hóa tết ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúc tết bằng thơ. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị nguyên thủ hiếm hoi chúc Tết đồng bào của mình bằng những vần thơ. Mỗi khi tết đến, mọi người già trẻ lại ngóng thơ chúc tết của Cụ.

Các bài thơ chúc Tết của Người giản dị, súc tích nhưng có sức lay động lòng người. “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Để mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân Việt Nam lại cảm nhận rõ ràng hơn những điều ý nhị sâu xa trong từng lời thơ chân thành, giản dị ấy.

Là người đứng đầu đất nước, nên nội dung trong thơ chúc Tết của Cụ luôn có tính dự báo cao, khẳng định mục tiêu cao cả là độc lập, tự do cho dân tộc, là cơm no áo ấm, là hạnh phúc cho mỗi người; thể hiện rõ ràng đường lối cách mạng; bộc lộ sâu sắc lòng yêu nước, yêu dân, tin dân, tin cách mạng, tin vào thắng lợi của dân tộc. Năm 1947, Cụ làm bài thơ “Chúc năm mới Đinh Hợi”, trong đó có câu:
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Tết Giáp Ngọ năm 1954, mặt trận Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn quyết liệt để giành toàn thắng, Cụ viết bài thơ chúc tết, có đoạn: “Quân và dân ta nhất trí kết đoàn/Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”.

Năm 1960 là năm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt. Trong thơ mừng xuân mới, Cụ đã mở đầu bằng hai câu thơ: “Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh/Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ”. Và xuân năm 1969: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”.

Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được nhân dân đón chờ trong đêm Giao thừa đón năm mới. Dù người già hay trẻ, dù người lao động trên công trường, đồng ruộng hay cán bộ, chiến sĩ đang ở chiến trường, ai ai cũng thấy ấm lòng, tăng thêm niềm tin khi được nghe giọng nói ấm áp, thiết tha, truyền cảm từ những vần thơ của Người.

Khi về với thế giới người hiền thì những vần thơ chúc tết của Cụ Hồ đã trở thành di sản tinh thần vô giá, luôn là điều thiêng liêng, nghe như tiếng của non nước, tiếng của ngàn xưa vọng lại, nhắc nhở lớp lớp cháu con hôm nay biết trân trọng những giá trị quý báu của độc lập tự do, của hòa bình và đoàn kết dân tộc !

3. Tết thăm hỏi, chia sẻ với người dân, chiến sĩ

Không chỉ gửi thơ chúc Tết đến toàn dân, trong những ngày đầu tiên của năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Người là vị lãnh đạo lo xa, chu đáo. Trước Tết hàng tháng Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Tết đến, Cụ đi thăm hỏi và tặng quà Tết tại các cơ quan, xí nghiệp, công trường, các đơn vị bộ đội, các gia đình lao động…

Cụ nhấn mạnh: “Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc”. Vì quan niệm về độc lập, về sự ấm no hạnh phúc của nhân dân đơn giản nhưng sâu sắc, thiết thực như vậy mà kể từ khi nước nhà được khai sinh cho đến khi đi vào cõi vĩnh hằng, gần như năm nào Cụ Hồ cũng đi chúc Tết, tặng quà và thăm hỏi đồng bào.

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người dân trong những ngày Tết diễn ra đầy xúc động, như sách “Vũ Kỳ-Thư ký Bác Hồ kể chuyện” đã kể. Tết Kỷ Dậu năm 1969, dù sức khỏe giảm sút nhiều, Cụ vẫn đặt chương trình đi thăm, chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây. Ngày 16/2/1969 (tức mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Cụ đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không-Không quân ở Bạch Mai rồi về trồng cây đa ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì…

Một mùa Xuân nữa lại về, chúng ta lại nhớ đến những việc làm tràn đầy tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn thể nhân dân, nhớ tới sự chăm sóc ân cần của Người tới mọi thế hệ người Việt Nam. Những hình ảnh ấy, lời nói ấy của Cụ sẽ còn sống mãi như những điều kỳ diệu của lòng tin, sự biết ơn, làm nên sức mạnh tinh thần nội sinh để chúng ta bước vào một năm mới tràn đầy sức xuân.

Đầu Xuân Tân Sửu, nhớ tới một con người vĩ đại mà bình dị, đã để lại những giá trị văn hóa tết cổ truyền đặc sắc cho dân tộc, có lẽ mỗi người Việt Nam đều trân quý, nguyện tri ân Người bằng những việc làm cụ thể, nói đi đôi với làm, trách nhiệm trong lao động, sống giản dị tử tế, trước mắt là trách nhiệm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, thực hiện mong ước xây dựng mùa xuân mới của dân tộc Việt Nam với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…/.

Nguồn: https://huongsenviet.com/ban-sac-van-hoa-tet-chu-tich-ho-chi-minh/?fbclid=IwAR2xWsyLx9h6Stlfw_SObhXc8h7GFTiHaedRuF3v6KvRB-FtF8bNa399UXU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.