“Bánh vẽ” kiếm tiền online

Lợi dụng tâm lý muốn bỏ vốn ít nhưng thu lời nhanh, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều chiêu trò dụ dỗ nạn nhân nạp tiền để được hưởng hoa hồng cao mỗi ngày. Từ đây, hàng nghìn người đã tự đưa chân vào chiếc bẫy tinh vi mang tên “kiếm tiền online” được giăng sẵn trên mạng.Với vài thao tác đơn giản trên mạng xã hội, người dùng có thể tiếp cận với hàng loạt hội nhóm công khai như: Nhóm “kiếm tiền online”, “ngồi nhà lướt video Tiktok kiếm tiền triệu”, “kiếm tiền online ai cũng chơi được”,… hoặc các hội nhóm trên Zalo với tên gọi hấp dẫn như: Nhóm “kiếm tiền tiêu vặt”, “xem video trực tuyến”, “like videoTiktok”… với đông đảo người người tham gia. Trong các hội nhóm này có đăng tải đầy đủ các kiểu kiếm tiền trực tuyến với lời quảng cáo hấp dẫn khi chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể kiếm từ 200.000 – 1.000.000 đồng mỗi ngày. Tất cả đều quảng cáo giúp người gia nhập hệ thống kiếm tiền online dễ dàng, lợi nhuận khủng. Bằng việc bán các gói nhiệm vụ như like video trên các mạng xã hội Tiktok, Facebook hoặc lạ tai hơn là bỏ tiền “nuôi trừng”, “nuôi bò” ảo để kích thích người dùng nạp tiền.

Với những mánh khóe hút người chơi theo dạng đa cấp, các đối tượng này nhanh chóng thu nạp được hàng nghìn hoặc thậm chí hàng chục nghìn người tham gia trong vài ngày. Và sau ít lần trả đủ các khoản hoa hồng hậu hĩnh làm mờ mắt người dùng (có website thậm chí chưa từng trả thù lao), các đối tượng âm thầm xóa website và biến mất cùng hàng trăm triệu tiền thật do các “con mồi” nạp vào. Đáng nói, sau khi một trang web dạng này sập, trên mạng xã hội lập tức có thêm cả tá tài khoản “ảo” rêu rao về những trang web kiếm tiền online dễ dàng mới khác.

"Bánh vẽ"  kiếm tiền online
Cẩn trọng khi nạp tiền đầu tư online

Thời gian này, cơ quan chức năng đã nhận được hàng nghìn cuộc gọi từ nhiều cá nhân trên cả nước phản ánh về các chiêu trò lừa đảo mà họ gặp phải trên mạng, trong đó không ít người bày tỏ bức xúc với các website dạy cách kiếm tiền online, nhưng thực chất chỉ để lừa đảo tiền của người chơi. Cách thức hoạt động cụ thể có khác nhau, nhưng những website dạng này luôn yêu cầu thành viên phải nạp số tiền ban đầu từ vài trăm nghìn/tháng đến hàng chục triệu đồng/năm với cam kết lợi nhuận thu được sẽ gấp nhiều lần vốn bỏ ra.

Theo lời các chuyên gia, lập một website mới không khó. Chỉ cần vài chục phút, chủ trang web có thể lấy giao diện cũ, đổi hình ảnh, tên, logo và địa chỉ truy cập là có ngay một “cạm bẫy” mới, với những chiêu thức y hệt. Một điểm chung dễ thấy ở các website này là không tìm thấy địa chỉ, tên công ty và cũng không có cách nào liên hệ với chủ nhân đứng sau. Các nhóm chat trên mạng xã hội Zalo, Facebook thường do những tài khoản ảo mở ra, điều hành. Khi web sập, các nhóm chat lập tức biến mất, người dùng không biết khiếu nại với ai, bởi toàn bộ các website trên đều không đăng ký với cơ quan chức năng và việc kinh doanh, giao dịch, chuyển tiền cho các hệ thống này không được đảm bảo về mặt pháp luật.

Có thể khẳng định, không có công việc nhẹ nhàng nào lại mang lại thu nhập cao bất thường. Trước khi có ý định tham gia bất cứ công việc nào trên mạng, người dùng internet cần có ý thức tự bảo vệ mình, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo đứng sau chiếc bẫy “kiếm tiền online”.

Người sử dụng mạng cần tuyệt đối tỉnh táo xem xét kỹ trước khi nạp tiền đầu tư, đặc biệt với những website được mở ra mà không đi kèm bất cứ ghi chú nào về cơ quan, tổ chức hay cá nhân đại diện, không có địa chỉ giao dịch cụ thể, không được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh.

Trang Nguyễn – Báo Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.