KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG PHONG 06/9/1902-06/9/2022

 

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong – Tổng Bí thư Đảng ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ và thành kính tri ân sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua đó xây dựng, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, tích cực hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, nhất là các nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

1. Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6-9-1902 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xóm Đông Cửa, thôn Đông Thông, tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, người dân nô lệ, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng. Từ nhỏ, Lê Hồng Phong đã thể hiện là một cậu bé thông minh, ham học nên được gia đình cho theo học chữ Nho tại trường làng, sau đó chuyển sang học chữ quốc ngữ hết bậc Sơ học yếu lược. Năm 16 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lê Hồng Phong phải rời quê xuống Vinh xin làm công nhân tại Nhà máy Diêm-Bến Thủy. Chứng kiến cuộc sống lầm than của những người lao động, Lê Hồng Phong cùng với người bạn thân của mình là Phạm Thành Khôi (tức Phạm Hồng Thái) đã vận động công nhân đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi và phản đối chính sách hà khắc của giới chủ. Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong bị đuổi việc. Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã, sau đó gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng và năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham gia lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Bắt đầu từ đây, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong đã gắn liền với phong trào cộng sản quốc tế và sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

2. Đồng chí Lê Hồng Phong-Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự gặp gỡ giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với Lê Hồng Phong đã mở ra bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên xứ Nghệ. Tháng 11-1924, khi Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Lê Hồng Phong và nhóm Tâm Tâm xã được gặp Người và quyết định đi theo con đường cứu nước của Người. Đây là thế hệ cán bộ đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo, Lê Hồng Phong đã được nghe những bài giảng đầu tiên về lịch sử phong trào cách mạng quốc tế và cách mạng giải phóng dân tộc, về những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin… Những bài học đó đã dẫn dắt và nâng tầm nhận thức của Lê Hồng Phong, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước trở thành người cộng sản và là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi được dự khóa huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, đồng chí đã bộc lộ tư chất, tài năng của người cán bộ cách mạng và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn. Người đã gửi Lê Hồng Phong vào những trường đào tạo cán bộ cao cấp của Trung Hoa và Liên Xô. Lê Hồng Phong được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Hàng không ở Quảng Châu, Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xô-viết ở Lê-nin-grat, Trường Đào tạo phi công quân sự ở Bô-rit-ơ-lep-xcơ (Liên Xô). Trong 3 năm (1928-1931), Lê Hồng Phong học tại Trường Đại học Phương Đông và hoàn thành xuất sắc chương trình, được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh.

Trong thời gian Lê Hồng Phong đi học tập, đào tạo ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên giữ liên lạc, theo dõi và hướng dẫn. Trong bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Lê Hồng Phong ngày 2-3-1930, Người thân mật gọi: “Gửi Hồng Phong Lão”, để thông báo về sự kiện ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và khẳng định: “Trong nước bây giờ đã có Đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa”. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với Lê Hồng Phong. Và Lê Hồng Phong đã không phụ lòng của Người thầy dẫn dắt, đồng chí đã từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo. Từ thực tiễn hoạt động và những đóng góp to lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1932-1935, đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

3. Đồng chí Lê Hồng Phong – Người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Lê Hồng Phong thuộc lớp ng­­ười tự lên đư­­ờng để đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, năm 1925, khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong đã nhận ra đó là tổ chức đúng đắn để mở ra con đường cách mạng Việt Nam. Lê Hồng Phong luôn hòa mình vào phong trào cộng sản, trư­­ớc khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng viên của Đảng Cộng sản (b) Nga. Là đảng viên của 3 đảng cộng sản và được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (năm 1935). Đồng chí được tin tưởng giao nhiệm vụ liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản.

Với cách mạng Việt Nam, sau cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng nước ta mà trư­­ớc hết là nhằm vào Đảng Cộng sản Đông D­ư­ơng. Đây là thời kỳ cam go nhất của Đảng ta sau khi thành lập. Trư­­ớc sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù và những tổn thất về tổ chức, về cán bộ của Đảng, đã nảy sinh những vấn đề t­­ư tư­­ởng trong Đảng và trong quần chúng cách mạng. Đảng ta vừa ra đời, bộ máy tổ chức mới hình thành thì những tổn thất trên đây rất nặng nề. Do vậy, để khôi phục Đảng, không chỉ là vấn đề tổ chức, t­­ư tưởng, mà còn cả chiến l­ư­ợc, sách lư­­ợc, phương pháp cách mạng do sự biến chuyển mới và nhanh chóng của tình hình, nhiệm vụ cách mạng. Tr­­ước tình hình cực kỳ khó khăn đó, Lê Hồng Phong đã lãnh trách nhiệm tr­ư­ớc Quốc tế Cộng sản trở về lãnh đạo khôi phục Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam. Từ năm 1932, cùng với nhiệm vụ khôi phục tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng trong n­­ước, để thống nhất tư­­ tư­­ởng và phư­­ơng pháp cách mạng trong điều kiện mới, Lê Hồng Phong đã tích cực, chủ động tuyên truyền Ch­­ương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dư­­ơng-một văn kiện có tính chất như­­ một cư­­ơng lĩnh mà đồng chí đã tham gia soạn thảo. Đây là một đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng giai đoạn bấy giờ.

Tháng 6-1934, đồng chí Lê Hồng Phong tổ chức Hội nghị cán bộ của Đảng ở Ma Cao (Trung Quốc) và thành lập Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng để tổ chức lại các cơ sở đảng và chuẩn bị những điều kiện cho việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Và từ ngày 27 đến 31-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông D­­ương đ­ư­ợc tổ chức, mặc dù đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản như­­ng vẫn được Đại hội tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư­­ của Đảng. Đó không phải do tình thế cán bộ lúc đó, mà chính từ những đóng góp to lớn của đồng chí vào nhiệm vụ khôi phục Đảng và phong trào cách mạng ở Việt Nam, mà Đảng đã trao cho đồng chí Lê Hồng Phong trách nhiệm chính trị lớn lao đó. Việc lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng và thống nhất về chiến lư­­ợc, sách lược, chuẩn bị những tiền đề về tổ chức và chính trị tư­­ tư­­ởng, đ­­ưa cách mạng n­ư­ớc ta vư­­ợt qua giai đoạn cực kỳ gian khó (1931-1935), chuyển sang giai đoạn phát triển mới (1936-1939) đã thể hiện tài năng và bản lĩnh của Lê Hồng Phong, người chiến sĩ kiên cường của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới ở tuổi 40. Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Với gần 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản quốc tế, hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Tinh thần và sự nghiệp lớn lao của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi đồng hành với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

-:- Báo QĐND -:-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.