NGÀY XUÂN VÀ NGÀY LỄ

Với chiều dài lịch sử hơn nghìn năm, đương nhiên Hà Nội có vô số những ngày đáng nhớ. Hoặc là hùng tráng như hôm hai vua Trần oanh liệt thắng quân Nguyên về tới bến Đông Bộ Đầu. Rồi ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu Hoàng đế Quang Trung đập tan quân Thanh ở gò Đống Đa. Hay gần hơn, ngày 10-10-1954, năm cửa ô rợp cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô… Và những ngày bi tráng trong “chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, “máu và hoa” của người Thủ đô đã bừng sáng, tô hồng cho chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 của dân tộc.

Tất nhiên, với đa phần người Hà Nội, những ngày đáng nhớ không chỉ toàn là những ngày dữ dội khốc liệt của chiến tranh vệ quốc, mà nhiều khi chỉ là những ngày xuân tươi vui bình dị thuần túy lễ hội. Bởi đơn giản, Hà Nội từ rất lâu vốn là một trung tâm văn hóa. Mà văn hóa thì bao trùm mọi sinh hoạt, từ những nghi lễ đầm ấm dân gian truyền thống đến các nghi lễ tôn giáo thiêng liêng.

Cùng với cả nước, phố Hà Nội hân hoan đón giao thừa, rồi vừa phóng khoáng nghỉ ngơi vừa hào hứng vui xuân trong suốt mấy ngày Tết Nguyên đán. Cùng tâm thế chung ấy là rưng rưng đón ngày đức Phật đản sinh, là ngày Noel Giáng sinh Thiên chúa. Thậm chí cả những ngày lễ mới du nhập như ngày lễ Tình yêu Valentine 14-2, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 cũng được náo nức chờ đợi. Tuy nhiên, với một bản sắc độc đáo, Hà Nội có khá nhiều những lễ hội cho riêng mình. Không kể “bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”, câu ca cổ đã làm xao động biết bao thế hệ nam thanh nữ tú của Hà thành. Không dám kể lễ hội đền An Dương Vương ở Cổ Loa, lễ hội Phù Đổng cổ kính và kỳ thú tới mức: “Ai ơi mùng chín tháng tư, không đi hội Gióng cũng hư mất đời”, đẫm đầy nét hồn nhiên văn hóa.

Ở những ngày lễ lớn nói chung hay những ngày xuân lãng mạn mưa phùn nói riêng, tất cả những con phố cũ ở Thủ đô bỗng thong thả thăng hoa thành vừa quen vừa lạ. Lòng đường cũng như lòng người chợt nhiên thông thoáng, cao rộng. Nhiều lao động ngoại tỉnh sau cả năm bươn bả mưu sinh giờ lũ lượt hạnh phúc kéo nhau về quê. Hiếm hoi ô tô, lưa thưa xe máy. Đứng từ đầu phố nhìn được gần suốt cuối phố, nơi có một gánh hàng hoa để trên xe đạp đang chầm chậm trôi. Các bà các cô bỗng nhẹ nhàng khác ngày thường, nao nao muốn đi lễ chùa rút một quẻ bâng quơ cầu lộc.

Vào những ngày sát Tết, một cái thú được khá đông người Hà Nội có tuổi vẫn níu giữ, đó là đến Thư viện Quốc gia đọc báo xuân. Tất nhiên vẫn có người đọc sách. Mùa xuân ở đây rất đặc biệt, thời gian như chạy bằng một thứ đồng hồ riêng, nó chầm chậm trôi đến mức cứ như là chạy ngược. Nó kiêu bạc nhìn cái siêu thị đối diện bên đường đang ngồn ngộn những người dư dật đang hớt hải mua sắm. Phòng đọc thanh thản mênh mông đã vắng đi những sinh viên ngoại tỉnh, chỉ còn thu lu dăm bẩy trung niên tóc muối tiêu. Và tự nhiên nó sẽ sáng bừng nếu như có một chàng trai hay một thiếu nữ nào đấy lãng mạn cùng ngồi đọc. Bọn họ chắc nhà ở quanh Bờ Hồ, ăn mặc tao nhã sạch sẽ. Từ tốn mơ mộng họ lật sách báo. Cái chầm chậm của những trang chữ làm tiết xuân trinh bạch tần ngần chẳng dám trôi. Và không cần tinh tế lắm cũng thấy được màu của Tết, mùi của Tết. Đấy là cái màu nóng ấm của hồng đào được hắt lên qua cửa sổ từ khuôn viên thư viện. Đấy là cái mùi nhè nhẹ lá gội đầu hương nhu có từ thuở các bà các cô Hà thành còn chưa biết dùng dầu gội lờ lợ mùi mỹ phẩm, nó thanh và thơm đến vô cùng. Cô bé thủ thư nhìn đồng hồ thấy quá giờ, nhưng khác thường lệ cô không bấm chuông giục. Mùa xuân đã làm người Hà Nội trở về với thong thả thanh lịch.

Suốt ba ngày Tết, mưa phùn bàng bạc ấm nồng, ai ai cũng “nhân diện đào hoa tương ánh hồng”. Ngồi nhà chán, vợ chồng anh em bằng hữu rủ nhau du xuân. Phong khí đi lại ngày xuân nói chung là nhân hậu, ăm ắp tình người. Qua ngày mùng năm, cái hào hoa đầm đậm của phong vị Tết khe khẽ tan. Người có tiền thì vẫn có tiền, người hết tiền thì thật là hết. Vô số kẻ có chữ bần bạch đành tao nhã mà ngồi đọc sách. Khai bút từ sáng mùng một vẫn dang dở, bởi khói thơm danh lợi xào nấu từ lầu son gác tía mơn mởn quyến rũ lững lờ bay ngang. “Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu/ Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai”. Tự xửa xưa, cụ tú Hải Văn, thân phụ của nhà văn khét tiếng kỹ tính Nguyễn Tuân, nhân tiết xuân đã làm đôi câu đối thanh cao kiêu bạc như vậy. Bây giờ kẻ sĩ làm thơ viết văn vào dịp Tết có hơi khang khác. Mùa xuân tươi tốt làm lộc văn đâm cành trổ nhánh khắp ngóc ngách của văn nhân.

Mùa xuân là mùa của bay bay mưa phùn, của lành lạnh gió rét. Tiết trời này làm con người ta khai mở phóng khoáng và chóng đói, thích ăn ngon. Không phải ngẫu nhiên mùa xuân là mùa của lễ hội, cũng là mùa của tiệc tùng, cỗ bàn. Tất cả món ăn đều quyến rũ, đều đậm, đều béo. Bánh chưng rán, thịt đông, giò thủ, canh măng lưỡi lợn nấu với chân giò… Chiều muộn trừ tịch giao thừa là cỗ tất niên. Sáng mùng một sau khi chúc tụng ông bà, bố mẹ là cỗ tân niên. Xâm xẩm tối, anh chị em ngày thường “kiến giả nhất phận” bỗng vui vẻ đoàn viên ngồi xếp mâm bày cỗ. Mùng năm còn đang ngất ngư, ngây ngấy thì nhiều nhà đã làm cỗ hóa vàng sớm. Từ quan chức đến thường dân, từ công chức đến doanh nhân, bụng đều óc ách, ì ạch với các món tinh hoa. Khắp thiên hạ đi đâu cũng thấy dư dả hạnh phúc, nam thanh nữ tú phong độ sung túc tròn căng. Có phải thế chăng mà những Tết gần đây, những gia đình có tiền thường du xuân ra nước ngoài?

Ăn no rồi thì những người có tuổi hoặc lim dim đi ngủ hoặc chơi bài hoặc khai bút làm thơ. Đám trẻ tung tăng nhựa sống, quần là áo lượt rủ nhau “bát phố”, nồng nàn hẹn hò tình yêu. Phố rộng mưa giăng mờ mờ thấp thoáng mấy ghế đá ven hồ thiêm thiếp mơ màng tím màu chung thủy. Đường phố thanh bình thưa vắng, ngoài nô nức một vài vũ trường thì quán xá đều đã đóng cửa từ lâu. Họa hoằn còn sót lại dăm ba nhân viên chưa kịp về quê, nghẹn ngào ngồi uống rượu Tết tha hương, hoặc lướt facebook hoặc xem tivi. Chương trình truyền hình Tết dù trực tiếp hay đã làm “đông lạnh” từ trước tháng Chạp, nhà đài liên miên phát trò vui. Ngoài ca nhạc còn có rất nhiều kịch hài, phim hài… Người xem hoan hỉ rũ rượi cười cả tuần, bỗng thành một thói quen như phản xạ có điều kiện. Đến nỗi có một giáo sư đạo mạo lên sóng giảng những thuyết lý cao cả văn chương, thì người xem vẫn nghiêng ngả cười vì tưởng đấy là một danh hài.

Lễ hội vào những ngày xuân ở phố có được là nhờ Hà Nội đã từng có làng. Bây giờ Ngọc Hà không còn là làng hoa nữa, làng Láng đã thành đường Láng. Chợt nhớ cái hồi còn ngu ngơ lều chõng, đúng dịp chùa Láng mở hội thì theo cô bạn xinh xinh cùng lớp vào nhờ sư bà dạy cho bài khấn “thi qua trong kỳ thi lại”. Lại nhớ đầu năm vừa rồi có đi xuống mạn ấy. Ngẩn ngơ đứng ở dưới tấm biển “Phố Chùa Láng”, loang loáng những bê tông nhôm kính, tuyệt tích ao hồ. Loay hoay nhìn quanh, suýt thì lạc. May thay, xa xa vẫn thấy cổng chùa rêu phong tưng bừng cờ phướn. Bữa ấy mùng bảy tháng Ba âm lịch là ngày chính hội. Tết cũng nhạt rồi và làng có vẻ cũng đã mất rồi, nhưng phố vẫn đọng đầy hồn lễ trong mìn mịn mưa phùn cuối xuân./.

Báo Hà Nội mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.