PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI SỰ PHÁT XÃ HỘI

 

Bên cạnh vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, tại Hội thảo quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhằm nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu đều nhấn mạnh vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Văn hóa gia đình là cốt lõi của văn hóa Việt Nam

Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Xây dựng, phát triển nền văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Trong văn hóa gia đình Việt Nam, các yếu tố văn hóa mới, các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn, đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể những giá trị được coi là bảo thủ, truyền thống và trì trệ.

PGS.TS Đặng Thị Hoa cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết là các biến đổi giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng… Đồng thời, gia đình Việt Nam cũng đang tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại. Mặc dù vậy, các giá trị truyền thống của gia đình vẫn luôn được gìn giữ, làm đa dạng hơn bản sắc đa văn hóa của gia đình Việt Nam.

Nêu thực tế, TS. Nguyễn Danh Lợi, Phó Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng cho biết, đến nay, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể đã xác định công tác xây dựng gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân, nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn hướng tới và quan tâm thực hiện. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Hoàn thiện chính sách xây dựng gia đình tiến bộ

Những nỗ lực nêu trên của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn xã hội đã góp phần hiệu quả vào việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam theo định hướng tiến bộ. Tuy vậy, các đại biểu cho rằng, cũng phải nhìn nhận thực tế các chính sách hiện nay chưa thể hiện đầy đủ vai trò của gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đặc thù, có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế khác trong hệ thống xã hội tổng thể. Hoạt động triển khai và thực thi chính sách gia đình vẫn còn nhiều hạn chế; các văn bản luật chưa được cán bộ nhận thức đầy đủ; đội ngũ cán bộ có kỹ năng và kinh nghiệm chuyên trách về công tác gia đình ở cấp cơ sở còn thiếu. Mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ chưa được cụ thể hóa thành các tiêu chí rõ ràng, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch hành động và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách.

Để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới, các đại biểu nhận định, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế – xã hội. Các chính sách kinh tế – xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình nói chung. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình. Quan tâm hơn đến các mối quan hệ tâm lý – tình cảm của vợ chồng, đặc biệt trong bối cảnh của tình trạng phân ly gia đình hiện nay.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, GS.TS Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh, các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau trong quan hệ anh chị em ruột để khắc phục những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giải quyết bất hòa trong gia đình riêng. Việc các cấp chính quyền, đoàn thể ở mỗi địa phương có những hình thức sinh hoạt câu lạc bộ gia đình, đưa chủ đề củng cố mối hệ quan hệ anh chị em ruột vào trao đổi là cần thiết.

Cùng với đó, tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Có cơ chế bảo đảm tiến hành các nghiên cứu khoa học xã hội một cách hệ thống trước khi hoạch định chính sách kinh tế – xã hội. “Đồng thời, cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ”, GS.TS Nguyễn Hữu Minh kiến nghị.

Báo Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.