TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị mà chủ yếu và trực tiếp là Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam.

NHU CẦU TỰ THÂN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta xác định phương thức lãnh đạo là một nội dung cơ bản và quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phương thức lãnh đạo là một bộ phận có vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đảng. Phương thức lãnh đạo có vị trí rất quan trọng trong việc hiện thực hóa nội dung lãnh đạo, trong việc hoàn chỉnh nội dung lãnh đạo; nó quy định việc tổ chức hệ thống Đảng, các cơ quan tham mưu của Đảng, cách thức hoạt động của các cơ quan đó và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tham mưu của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng còn phản ánh trình độ khoa học lãnh đạo của Đảng ta trong từng giai đoạn lịch sử; phản ánh bản lĩnh lãnh đạo, trình độ nắm bắt tình hình và đưa ra những quyết sách kịp thời; phản ánh trình độ của cán bộ, đảng viên, cấp uỷ trong việc vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng vào trong thực tiễn; nó cũng phán ánh trình độ dân chủ, dân trí của xã hội.

Là một đảng duy nhất cầm quyền, đã và đang lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi phương thức lãnh đạo là một vấn đề có vị trí quan trọng hàng đầu, cùng với nội dung lãnh đạo, bộ máy tổ chức hợp thành hoạt động lãnh đạo của Đảng. Vấn đề tăng cường phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị cũng là đòi hỏi tất yếu khách quan phù hợp với xu thế chung của lịch sử và cũng là đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, tìm tòi một phương thức lãnh đạo, cầm quyền đúng đắn, khoa học là cả một quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn mà ngay từ những ngày đầu lãnh đạo cách mạng Đảng ta đã đặt ra.

Ngay từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam tiến hành đấu tranh cách mạng để giải phóng dân tộc, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Khi giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị (tập trung vào lãnh đạo Nhà nước) để xây dựng chế độ xã hội mới như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Xã hội mà Đảng và nhân dân Việt Nam hướng tới là: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”. Xét về bản chất, mục đích cầm quyền của Đảng chính là để hiện thực hóa, thể chế hóa quyền lực chính trị, ý chí, quyết tâm chính trị của giai cấp, của nhân dân thành quyền lực nhà nước – quyền lực công để toàn xã hội thực hiện. Chỉ có thông qua bộ máy nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, thông qua nắm vững và sử dụng bộ máy chính quyền nhà nước, quyền lực chính trị của Đảng mới được thực hiện, mục tiêu, lý tưởng của Đảng mới có thể đạt được. Qua đó, Đảng mới hoàn thành được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”. Quan điểm chung là Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải được tiến hành với những bước đi thích hợp, phù hợp với đặc điểm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị. Một trong những nội dung cốt yếu đối với đảng cầm quyền là không có đảng cầm quyền nào tự giác, tự nguyện chuyển giao quyền lãnh đạo cho các đảng phái khác, nói cách khác không đảng nào muốn mất đi quyền lãnh đạo của mình hay rơi vào nguy cơ mất quyền lãnh đạo. Tuy nhiên, để duy trì được vị trí là Đảng duy nhất cầm quyền thì Đảng cũng đối diện với rất nhiều áp lực của cả bên trong và bên ngoài. Áp lực bên ngoài là sự chống phá của các thế lực thù địch. Kẻ địch không khi nào từ bỏ tham vọng lật đổ chế độ mà Đảng và nhân dân ta dày công vun đắp và xây dựng. Áp lực bên trong là trong quá trình lãnh đạo Đảng vẫn có những hạn chế, khuyết điểm như: Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng; hiện tượng lạm quyền vấn tiếp tục diễn ra; công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng còn nhiều bất cập; việc đánh giá cán bộ, đảng viên còn mang tính hình thức, chưa có bộ tiêu chí khoa học để góp phần kiểm soát nhân sự của Đảng; chất lượng tự phê bình và phê bình yếu, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Tất cả những điều đó cho thấy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là nhu cầu tự thân trong hoạt động của Đảng.

SỰ CẦN THIẾT PHẢI TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Thứ nhất, tất cả các đảng cầm quyền đều tăng cường sự lãnh đạo chính trị của Đảng đối với hệ thống chính trị mà chủ yếu là thông qua Nhà nước.

Tất cả các đảng cầm quyền đều phải tăng cường sự lãnh đạo chính trị đối với hệ thống chính trị mà tập trung nhất vào bộ máy nhà nước nhằm nắm vững bộ máy nhà nước, xây dựng và bảo vệ bộ máy nhà nước, sử dụng bộ máy nhà nước phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đảng. Tuy nhiên, tuỳ theo tính chất, đặc điểm của mỗi nhà nước và mỗi đảng cầm quyền mà nghệ thuật lãnh đạo của các đảng đối với hệ thống chính trị rất khác nhau.

Cách mạng Tháng Mười thành công ở nước Nga Xô-viết đánh dấu sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trên thế giới. Trải qua hơn 70 năm ra đời và phát triển, các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong lãnh đạo chính quyền dẫn đến mất chính quyền và làm tan rã chế độ XHCN ở những nước này. Những đảng cộng sản còn lại đã kịp thời rút kinh nghiệm từ những thất bại đau đớn nói trên để củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, giữ vững chính quyền cách mạng của nhân dân.

Trước những tổn thất nghiêm trọng của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế những năm 90 của thế kỷ XX, các đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước xã hội chủ nghĩa khác đã rút ra những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo chính quyền nhà nước. Trong xu thế cải cách, mở của, đổi mới sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, các đảng cầm quyền khẳng định rõ về nguyên tắc: Là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước; quyết không đổi hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong quá trình phát triển đất nước.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị là một tất yếu khách quan.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị mà chủ yếu và trực tiếp là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định một quy luật khách quan: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Điều đó có nghĩa là cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay, nếu không giành và giữ vững được độc lập dân tộc, thì không thể xây dựng thành công CNXH và ngược lại, không xây dựng thành công CNXH thì cũng không thể giữ vững được độc lập dân tộc. Hệ thống chính trị mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trụ cột, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng (đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam) là bảo đảm tất yếu phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay.

Mặt khác, cả lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đều khẳng định: Chỉ có đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì hệ thống chính trị mà nòng cốt là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới thật sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

ĐỔI MỚI VIỆC XÂY DỰNG, BAN HÀNH, SỬ DỤNG CÁC NGHỊ QUYẾT, KẾT LUẬN, CHỈ THỊ VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong tình hình mới, cần chú trọng một số giải pháp như sau:

Một là, hoàn thiện lý luận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Nghiên cứu, từng bước hoàn thiện lý luận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị bằng cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nguyên tắc; định hướng giải quyết các vấn đề lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng về bộ máy Nhà nước; lãnh đạo bằng công tác tổ chức cán bộ; bằng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; bằng công tác tư tưởng của Đảng… Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động sáng tạo của Nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị; Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay, đồng thời, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Hai là, đổi mới việc xây dựng, ban hành, sử dụng các nghị quyết, kết luận, chỉ thị và chủ trương của Đảng.

Năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng trước nhân dân trong điều kiện Đảng cầm quyền chính là hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Vai trò cầm quyền của Đảng được phát huy đến mức nào được thể hiện thông qua phát huy vai trò của Nhà nước là chủ yếu. Vì vậy, Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo các cơ quan Nhà nước thể chế hoá, cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách và tổ chức thực hiện tốt các luật và chính sách đó trong thực tiễn xã hội.

Hoàn thiện pháp luật là điều kiện thiết yếu để quản lý xã hội theo pháp luật, tuy nhiên vấn đề quyết định lại ở chỗ thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Rà soát, bổ sung, sửa đổi kịp thời các luật, văn bản dưới luật và các quy định cụ thể không còn phù hợp; các nội dung chồng chéo. Ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội, nhất là những lĩnh vực hiện đang có nhiều mầm mống tham nhũng, tiêu cực.

Vai trò quản lý điều hành xã hội, quản lý chính các cơ quan Nhà nước theo luật pháp lại thuộc về đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng hoạt động trong các cơ quan Nhà nước nên cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và chú trọng phương pháp nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên.

Ba là, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam phù hợp; tiếp tục sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thiện thể chế nhằm xây dựng hệ thống chính trị Việt Nam qua đó thực hiện tốt nhất việc kiểm soát quyền lực đối với từng thành viên và giữa các thành viên trong hệ thống chính trị của thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền. Đổi mới cách tổ chức để xây dựng cơ quan kiểm tra của Đảng thành cơ quan kiểm soát quyền lực mạnh trong hệ thống chính trị. Đảng thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước bằng việc thiết kế bộ máy nhà nước có khả năng kiểm soát từ bên trong – kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; bằng kiểm soát từ bên ngoài – quản trị đảng viên hoạt động trong cơ quan nhà nước, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên hoạt động trong bộ máy nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị khi vi phạm pháp luật và các quy định của Đảng cũng như các tổ chức đó.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng vũ trang, phát huy vai trò tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, người đứng đầu.

Chú trọng phương pháp nêu gương để từ những người tiêu biểu cho những tiêu chuẩn, chuẩn mực mà theo đó đối tượng bị thuyết phục và làm theo một cách tự giác mà không cần đến những biện pháp cưỡng chế. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội bằng nêu gương hiệu quả thì chủ thể nêu gương phải là người có khả năng khơi nguồn cảm hứng, truyền dẫn cảm hứng, bằng nhãn quan chính trị và phong cách làm việc của mình hướng dẫn đối tượng thực hiện theo.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.

Xây dựng thể chế công tác cán bộ chặt chẽ, bảo đảm sử dụng được nhân tài ngoài Đảng hoạt động trong bộ máy nhà nước, nhưng không thách thức địa vị cầm quyền của Đảng; đổi mới công tác bầu cử để nhân dân thực sự có quyền lựa chọn, kiểm soát những đảng viên của Đảng có tài, có đức vào trong bộ máy nhà nước; Đảng nắm vững bộ máy nhà nước thông qua nắm đảng viên của Đảng. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, nhất là công tác quản lý cán bộ có vai trò rất quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch vững mạnh. Một mặt, phải thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy Nhà nước các tổ chức trong hệ thống chính trị, mặt khác phải có chính sách ngăn chặn người không có thực tài, thiếu năng lực, nhưng thừa thủ đoạn luồn lách trong hoạt động Nhà nước.

Sáu là, đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội nhằm thực thi có hiệu quả và thực chất cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là một đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Muốn vậy, cần đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn; chứ không phải ngược lại. Đảng mạnh thì chính quyền và các đoàn thể quần chúng cũng mạnh để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nội bộ chúng ta mạnh thì chúng ta có thể vững vàng đương đầu với các khó khăn thử thách cả bên trong lẫn bên ngoài.

Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.