NÂNG CAO KỸ NĂNG LAO ĐỘNG – YÊU CẦU TẤT YẾU

 

Sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ đặt ra nhiều thách thức lớn đối với người lao động. Để không bị thay thế bằng công nghệ, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao của người sử dụng lao động, nâng cao kỹ năng nghề.

Cách đây hai năm, tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 4-10 là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” là một trong hai giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu chiến lược. Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Kể từ thời điểm công bố đến nay, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động. Nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện, kỹ năng nghề nghiệp được coi là đơn vị tiền tệ mới, động lực để phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và việc làm bền vững cho người lao động.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng thay đổi trong tư duy và hành động về tuyển dụng và sử dụng lao động. Họ đánh giá, tuyển dụng thông qua trình độ kỹ năng, năng lực hành nghề và tính chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm của người lao động. Doanh nghiệp cũng dần tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Tại chương trình kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam lần thứ 2, tổ chức ngày 4-10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam vươn tới thịnh vượng. Vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phải tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Là một trong 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: Kỹ năng lao động gồm trình độ chuyên môn và các kỹ năng mềm như tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề; khả năng tự tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những giải pháp cải tiến hiệu suất công việc hoặc sự nỗ lực để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở nước ta còn nhiều hạn chế nên năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh kém so với lao động ở ngay trong khu vực ASEAN.

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết thêm: “Trong quá trình hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động trong nước sẽ khó cạnh tranh với lao động khu vực ASEAN. Chính vì thế, ngoài đào tạo chuyên môn tay nghề cao, nhà trường còn chú trọng rèn luyện 6 kỹ năng nữa cho sinh viên, gồm: Kỹ năng nghiên cứu độc lập, khả năng tự học; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng tư duy sáng tạo; kỹ năng khai thác và sử dụng công nghệ thông tin; khả năng cập nhật kiến thức mới. Ngoài ra, còn định hướng xây dựng đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hóa các nước trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài cho sinh viên”.

Ngoài Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, năm nay, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội còn có 3 sinh viên được tuyên dương là sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 là: Chu Văn Nam, Khoa Công nghệ thông tin; Nguyễn Xuân Thắng, Khoa Điện-Điện tử và Đỗ Hoàng Tú, Khoa Công nghệ thông tin.

Sinh viên Chu Văn Nam chia sẻ: “Kết quả học tập của tôi đạt 9.2/10. Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2021, tôi đoạt huy chương vàng cho nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) lựa chọn là đại diện của Việt Nam tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới (nghề giải pháp phần mềm) diễn ra tại Hàn Quốc (dự kiến từ ngày 8 đến 15-10-2022). Để nâng cao kỹ năng mềm, tôi tích cực tham gia các kỳ thi, hội thi và hoạt động đoàn, hội của nhà trường để tăng sự tin, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm”.

Chương trình kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm nay tôn vinh 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu được giới thiệu từ 63 tỉnh, thành phố, đại diện cho hơn 83.000 nhà giáo đang giảng dạy trong hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên khắp mọi miền đất nước. Chương trình cũng vinh danh 100 bạn trẻ là học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu có thành tích học tập toàn diện và đề tài nghiên cứu, sáng chế hoặc đoạt giải cao trong các cuộc thi lớn.

QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.