Xuyên tạc đạo đức Hồ Chí Minh là phi đạo đức


Trần Lê Minh

1. Hồ Chí Minh là hiện thân của nêu gương đạo đức, nói đi đôi với làm.

Nói đi đôi với làm không chỉ là một nguyên tắc rèn luyện đạo đức, mà còn là ranh giới phân biệt giữa đạo đức cách mạng và không phải đạo đức cách mạng.

Nói nhưng không làm là một biểu hiện của nói suông, không thực long, không thực tâm, có nhiều lúc là phi đạo đức. Lời nói phải đi đôi với việc làm và thực hành làm gương là đạo đức của người có đạo đức nói chung, nằm trong vốn văn hoá phương Đông nói riêng. Theo Hồ Chí Minh, nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người nhấn mạnh rằng, “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”.

Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm gương thực hành mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Người dạy “đảng viên đi trước”, để cho “làng nước theo sau”. Và thực tế trong mọi phong trào sản xuất, tương trợ xây dựng kinh tế, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, Hồ Chí Minh luôn nêu gương thực hiện bằng chính đồng lương, những tài sản cá nhân mà bản thân Người lao động làm việc có được. Không những vậy, Người luôn chia sẻ với nỗi đau mất con của một vị bác sĩ, bày tỏ tình yêu thương đầm ấm với những cụ già em nhỏ, kịp thời động viên khích lệ những tấm gương anh dũng anh hùng, sáng tạo trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, những tấm gương quên mình cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc và sự phát triển đất nước.

Đạo làm gương đối với một vị lãnh đạo, một người đi trước hướng dẫn càng phải được quán triệt trong tất cả mọi đối tượng, mọi lĩnh vực: từ Đảng, Nhà nước, các đoàn thể đến nhà trường, gia đình, xã hội…

Đạo làm gương, lời nói đi đôi với việc làm của Hồ Chí Minh thực sự có một sức thu hút mãnh liệt, khiến cho cả dân tộc, nhiều thế hệ, các giai tầng xã hội đều tin tưởng đi theo tiếng gọi của Người.

Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng xuất phát từ tình thương cảm và lòng mong muốn cứu giúp đồng bào mình, dân tộc mình, đấu tranh giành lại độc lập tự cường dân tộc, vị thế tự do bình đẳng của mọi người dân và lòng bác ái nhân loại.

2. Vậy mà có những kẻ viết thuê xuyên mướn trơ trẽn xuyên tạc tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những kẻ này chưa được sinh ra hoặc còn rất bé thơ khi Bác Hồ đã về với thế giới người hiền. Nhưng những kẻ đó vì lý do kiếm cơm hay tư thù hay bản chất xấu xa mà vẫn dùng những lời lẽ thô thiển xuyên tạc đạo đức của một Con Người Vĩ Đại ngay từ những bức ảnh tươi đẹp như Bác Hồ đang thị sát đồng ruộng, Bác đón khách quốc tế, Bác trả lời phỏng vấn, Bác chúc tết các cháu thiếu niên nhi đồng… Mà chính từ những bức ảnh, video đó người ta chỉ có thể thấy toát lên ánh sang của trí tuệ mẫn tiệp, tâm hồn và đạo đức hồn hậu, nồng ấm tình người, tình bác ái của một con người rất đỗi giản dị mà vĩ đại.

Người để lại di nguyện xây dựng đạo đức mới, đấu tranh chống những biểu hiện phi đạo đức. Bởi Người hiểu rõ, có nhiều kẻ địch, kẻ địch xâm lược và nô dịch là nguy hiểm, nhưng thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to, nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ và loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân. Trong Đảng và mỗi con người, vì những lý do khác nhau, không phải “người người đều tốt, việc việc đều hay”. Vả lại, để xây dựng xã hội mới văn minh hiện đại, tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài và gian khổ. Có người dám đổi mới dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm và có kẻ không dám đổi mới, ngại việc nhiều việc khó, thậm chí có kẻ suy thoái tư tưởng đạo đức, có kẻ công khai chống phá đất nước, con người Việt Nam…

Hồ Chí Minh hiểu rất rõ để làm cách mạng, xây dựng xã hội mới thì cần con người có đạo đức cách mạng. Đối với từng người, Hồ Chí Minh yêu cầu “trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình”. Với việc, với người thì nhất thiết phải phê phán, đấu tranh, loại bỏ những hiện tượng phi đạo đức, tàn dư đạo đức cũ. Hàng trăm thứ bệnh do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra thì phải tiêu diệt, vì đó là cản trở lớn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng phải thấy rằng, chống là nhằm xây, đi liền với xây và lấy xây làm chính. Lấy gương người tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới hiện đại.

Ngày nay, tình hình mọi mặt so với thời Hồ Chí Minh còn sống đã có nhiều thay đổi. Nhưng nhiều cái xấu, cái ác, cái sai, cái vô đạo đức mà Người đã nêu lên từ những năm 1925-1927, trong “Đường cách mệnh”, từ năm 1945 trở đi, đến nay dưới những biểu hiện khác nhau vẫn còn tồn tại. Do đó, quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức mới đấu tranh với những hiện tượng phi đạo đức vẫn có ý nghĩa thời sự.

3. Nói về đạo đức của xã hội ta hiện nay. Nói tới đạo đức là xét trên ba mối quan hệ chủ yếu: với mình, với người, với việc. Trong Đảng, đạo đức cách mạng là phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, thực hành cần kiệm liêm chính… Qua các đợt chống dịch Covid-19, qua thiên tai khoa khăn càng thấy rõ tình người, đạo đức trong xã hội ta, càng bộc lộ người tốt người có đạo đức và những người khiếm khuyết về đạo đức. Đạo lý của dân tộc sống có tình có nghĩa, bầu ơi thương lấy bí cùng, lá lành đùm lá rách… được tiếp tục nhân rộng. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân văn hoá, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn… trở thành những phong trào thường xuyên được xã hội hưởng ứng.

Có thể thấy Đảng Cộng sản Việt Nam rất quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Các nghị quyết của Đảng thời gian gần đây đã thẳng thắn chỉ ra sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức có quyền, cán bộ trung, cao cấp. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước, tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đoạ chưa được ngăn chặn có hiệu quả thực sự. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, bè phái, mất đoàn kết còn tồn tại, phổ biến ở một số nơi. Những căn bệnh đó vì thiếu đạo đức nặng, cho nên phải chữa một cách cơ bản và tận gốc.

Nguyên nhân khách quan cũng nhiều, nhưng Đảng thẳng thắn nhấn mạnh hơn những nguyên nhân chủ quan. Đảng Cộng sản Việt Nam khi lãnh đạo công cuộc đổi mới chưa lường hết những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, thiếu những biện pháp hữu hiệu cả “xây” và “chống” trên lĩnh vực đạo đức. Việc xử lý những phần tử thoái hoá biến chất trong Đảng và bộ máy Nhà nước có những lúc chưa nghiêm, chưa kịp thời. Tinh thần tự phê bình và phê bình sa sút ở nhiều cấp bộ Đảng. Trong lãnh đạo và quản lý có những biểu hiện buông lỏng, né tránh...

Tôi rất đồng tình với việc Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhân dân phải nhận thức, quán triệt đầy đủ và rèn luyện đạo đức theo những nguyên tắc đã được Hồ Chí Minh nêu lên. Rèn luyện trong thực tiễn, nêu gương đạo đức, “người tốt việc tốt”, “xây” đi liền với “chống”, tự phê bình và phê bình tạo ra phong trào thi đua rèn luyện đạo đức mới là những biện pháp tốt để xây dựng đạo đức trong tình hình hiện nay.

Việc xây dựng xã hội mới không chỉ giản đơn đòi hỏi xây dựng chỉ về đạo đức cách mạng hay đạo đức xã hội chủ nghĩa. Nhưng đạo đức phải là gốc thì cây đất nước mới bền và phát triển bền vững. Khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc học tập và thực hành theo tấm gương và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trở nên cấp thiết và thường xuyên.

Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, nói đi đôi với làm, chấp hành nghiêm kỷ luật kỷ cương đi đôi với phát huy dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên quyết khắc phục sự suy thoái đạo đức cũng như những tiêu cực trong xã hội theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cũng là quá trình tạo ra những chuẩn giá trị đạo đức mới phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. Đồng thời làm thất bại mọi âm mưu, hành vi chống phá, bẻ gãy mọi luận điệu xuyên tạc phi đạo đức về Bác Hồ Vĩ Đại và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.